Tìm Hiểu Phong Cách Hồ Thủy Sinh Bố Cục Rừng

Điểm qua các bố cục hồ thủy sinh trong vài năm trở lại đây có thể thấy bố cục rừng núi luôn là nguồn cảm hứng dồi dào đối với người chơi thủy sinh ở mọi cấp độ. Vậy bàn tay con người làm sao để tạo được một bố cục rừng đẹp như những gì bàn tay tạo hóa đã làm? Hãy cùng Thủy Sinh Tím đi tìm câu trả lời nhé!

1. Đặc điểm của hồ thủy sinh bố cục rừng

Bố cục rừng trong thuỷ sinh thường mô tả một hệ sinh thái hoang dã đúng như cảnh vật trong tự nhiên, mà cụ thể hơn là những khu rừng rậm như một khu rừng nhiệt đới hay Amazon.

Cũng giống như phong cách Hà Lan và phong cách thuỷ sinh tự nhiên, phong cách rừng sử dụng thảm thực vật khá phong phú. Đặc biệt, bố cục rừng là tổng hoà của tính tự nhiên và sự sắp đặt, đỉnh cao của nghệ thuật bài trí “sắp đặt như không sắp đặt”.

Với hồ thủy sinh bố cục rừng bạn cần hiểu biết rõ về cách nuôi trồng và bảo trì của từng loài cây sẽ sử dụng trong hồ. Đối với người thiếu kinh nghiệm, phong cách này có thể sẽ rất khó khăn để làm chủ nhưng khi thành công, nó sẽ mang lại những kết quả bất ngờ bởi sẽ không có bể nào giống bể nào.

hồ thủy sinh bố cục rừng - 1

Một góc hồ thủy sinh bố cục rừng của hồ October Twilight – tác giả Piotr Dymowski

1.1. Các thành phần trong hồ thủy sinh bố cục rừng

Phong cách rừng được định nghĩa bởi sự bất đối xứngtính hoang dã của nó. Người chơi sẽ phải sử dụng nhiều lũa, đá để tạo bố cục như một khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ. Bên cạnh đó là trồng dày đặc nhiều loài cây trong một bể để tạo nên sự phong phú như chính trong thế giới tự nhiên.

hồ thủy sinh bố cục rừng - 2

1.2. Thiết kế hồ thủy sinh bố cục rừng cơ bản

Thiết kế của phong cách rừng thể hiện thiên nhiên nhưng lại đặt trong một sự hỗn loạn, bất đối xứng. Đó cũng là điều đã làm khó nhiều người khi muốn theo phong cách này.

Tốt nhất người chơi nên giữ cho trí óc được tự do khi sắp xếp bố cục, có vậy họ mới có thể mô phỏng lại yếu tố hoang dã, hỗn loạn trong thiên nhiên. Độ phức tạp của bố cục có thể bị giới hạn bởi khả năng, trình độ của mỗi người chơi.

Nên chọn một bộ nền tốt và đảm bảo chất lượng cũng như độ bền để có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của một số lượng lớn cây trồng. Người ta thường chọn dùng những loài cây có hình thái thân và là tương phản nhau. Điều này sẽ tạo ra các cao độ khác nhau trong bố cục và tạo sự khác biệt giữa các loài giúp bể trông tự nhiên hơn.

1.3. Cây và cá được đề xuất trong hồ thủy sinh bố cục rừng

Đã nói tới rừng là nói tới sự đa dạng các loài động thực vật phân tầng từ thấp đến cao, từ rậm rạp đến thưa thớt, từ lá kim đến lá rộng, từ cây cao đến bụi thấp… đó là sự phong phú và khéo sắp xếp của tự nhiên.

Việc kết hợp nhiều loài cây thủy sinh trong cùng một môi trường quả thực là điều không đơn giản. Bạn có thể chọn những loại có môi trường sống tương tự nhau hoặc “tinh vi” hơn là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ánh sáng khác nhau ở mỗi khu vực nền để tạo được hiểu quả mong muốn với từng loại cây. Để có được một bố cục rừng đẹp thì điều này là cần thiết. Một lựa chọn an toàn là rêu và dương xỉ (hai loài này có rất nhiều chủng loại khác nhau), ngoài ra có thể bổ sung ráy và tiêu thảo, đây đều là những loài có môi trường sống khiêm tốn, từ đó giảm được chi phí đầu tư cho một bể thủy sinh bố cục rừng vốn đã khá cao.

Nếu trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà bạn chỉ có một số chủng loại cây nhất định? Đừng nản chí, hãy sắp xếp chúng xen kẽ, đừng để những cây cùng loài tạo thành khóm, cụm quá lớn như chúng ta vẫn thường làm.

Tương tự như vậy, việc lựa chọn cá thủy sinh cũng nên được cân nhắc để có thể tạo ra một hệ sinh thái tự nhiên và hoang dã cho hồ thủy sinh bố cục rừng của bạn. Có nhiều loại cá phổ biến phù hợp như: neon vua, chuột cà phê, sóc đầu đỏ,...

hồ thủy sinh bố cục rừng - 3

2. Một số quy luật cần tuân theo khi thiết kế hồ thủy sinh bố cục rừng

2.1. Quy luật xa - gần trong bố cục rừng

Hồ thủy sinh mô tả một không gian lớn trên cạn luôn phải tuân thủ quy tắc bất di bất dịch này. Cây ở gần thì nhìn thấy rõ những nét lồi lõm trên thân, cành, tán lá lòe xòe tự nhiên. Cây ở xa thì “phẳng phiu” hơn, chỉ thấy một thân thẳng và tán lá mịn màng, như một cây nấm vậy. Cây ở gần thì rõ ràng, đứng riêng biệt từng cá thể bên cạnh nhau, tán lá đôi khi đan xen vào nhau tạo nên từng khoảng sáng tối ở khu vực dưới gốc. Những cây ở xa lại có cảm giác đứng chen chúc, có khi là liền thành một thảm, không nhìn thấy từng thân cây riêng biệt nữa.

hồ thủy sinh bố cục rừng - 4

2.2. Quy luật cao - thấp trong bố cục rừng

Trong một khu rừng rất ít khi có được sự đồng đều giữa các cây (ngoại trừ rừng trồng cây lâm nghiệp của con người). Cây cao, cây thấp phản ánh một đạo luật của tự nhiên, đó là “luật rừng” - mạnh thắng, yếu thua. Cây nào khỏe, thích nghi tốt sẽ vươn lên cao đón lấy ánh sáng mặt trời, đồng thời lá của chúng sẽ che sáng của các cây ở dưới khiến các cây thấp bé hơn vốn đã khó cạnh tranh lại bị kìm hãm khả năng phát triển. Ngoài ra cũng có những loài cây mà thân chỉ đạt tới một độ cao nào đó là ngừng phát triển. Trong hồ thủy sinh, chúng ta làm chủ được điều này rất dễ dàng, dễ hơn việc tạo hóa khống chế cây rừng nhiều!

hồ thủy sinh bố cục rừng - 5

2.3. Các chi tiết nhỏ trong hồ thủy sinh bố cục rừng

Độ chi tiết của tác phẩm được thể hiện rõ nhất ở những bức ảnh chụp, người xem có thể để “trí tưởng tượng bay xa” cùng tác phẩm của bạn hay không đều phụ thuộc rất lớn vào điểm này.

  1. Vết cắt, vết gãy của lũa: Đây là một điểm trừ rất lớn, nó làm mất đi yếu tố tự nhiên. Những vết này có thể được che đi bằng cách buộc rêu hoặc cho cao lên trên mặt nước. Đôi khi bạn muốn thể hiện một cây rừng bị gãy đổ nhưng những vết gãy của lũa không thể đủ “nham nhở” để hiện thực hóa mục đích của bạn, tốt nhất là nên che chúng đi.

  2. Rễ cây rừng: Rừng già với những thân cây lớn sẽ để lộ những rễ cây ngoằn ngoèo và lớn đến độ cây cỏ xung quanh không thể che lấp nổi. Những rễ cây bằng lũa trong bể thủy sinh cần được sắp xếp hợp lý, chú ý những chỗ tiếp giáp giữa thân và rễ cần được che đi.

  3. Rêu bám thân cây: Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể phủ những loại rêu nhỏ như minifiss lên hầu hết thân cây, tảng đá, thậm chí là rêu hại cũng có thể được sử dụng, nó sẽ phủ nét thời gian lên tác phẩm của bạn – một khu rừng già.

  4. Dây leo tán lá: Dây leo là phương tiện di chuyển linh hoạt của Tazan trong rừng, sự đắt giá của nó còn hơn thế khi xuất hiện trong bể thủy sinh bố cục rừng của bạn. Các loại cây thủy sinh dạng dây leo như rau má bò, bình quả thảo rất phù hợp để phủ lên các tán lá.

  5. Cây buông rễ giả: Chi tiết này hay gặp ở những khúc lũa được tạo dáng theo phong cách bonsai, tuy nhiên điểm trừ hay gặp phải là rễ quá cứng nhắc, không thể hiện được sự buông thõng thẳng xuống dưới gốc như trong tự nhiên. Lúc này tác phẩm của bạn trông thật thảm hại, nên hạn chế sử dụng rễ giả nếu bạn không thể làm cho nó có vẻ tự nhiên.

  6. Cây bụi mọc thấp: Dưới những tán cây lớn thường là đất sống các loại cây bụi hoặc cây bò, chi tiết này cũng sẽ làm giảm diện tích đất trống trong hồ. Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng 1 hoặc 2 loài cây là sai lầm. Hãy cố gắng phong phú hóa chủng loại cây bởi không cần số lượng nhiều, chỉ cần điểm xuyết hết phần đất dưới những tán cây lớn. Khu vực nào tán cây không che khuất ánh sáng mặt trời thì nên có những bụi cây cao to hơn một chút.

  7. Sự lộn xộn, xơ xác: Điển hình là thảm trân châu hoặc thảm rêu mướt mát, bằng phẳng dưới tán cây rừng, điều này thật vô lý. Ngoài ra có nhiều cây chúng ta không nên quá chăm chút khi cắt tỉa, một chút xơ xác và lá vàng sẽ giúp tác phẩm trở nên gần gũi với tự nhiên hơn.

hồ thủy sinh bố cục rừng - 6

3. Những thách thức khi chăm sóc hồ thủy sinh bố cục rừng

Thách thức hàng ngày bạn phải đối mặt là việc chăm sóc cũng như thay nước liên tục. Ngoài ra, sự đa dạng về cây trồng và khối lượng sinh vật sống lớn trong đòi hỏi phải cân bằng lượng Oxy và CO2 hòa tan trong nước. Việc duy trì bể đòi hỏi một bộ lọc nước mạnh mẽ và phân nước bổ sung.

So với các phong cách khác, lợi thế của bố cục rừng là nó không đòi hỏi cắt tỉa thường xuyên. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một thách thức khác là làm sao để bảo trì hiệu quả hơn mà đỡ tốn thời gian hơn.

Hồ thủy sinh bố cục rừng là một phong cách độc đáo và có độ phức tạp cao, yêu cầu người chơi phải có tư duy sắp đặt tốt bên cạnh đó là sự hiểu biết sâu về việc chăm sóc cây, cá. Tuy nhiên việc tạo ra sự đa dạng trong hệ động thực vật lại là thách thức thú vị đối với bất kỳ người chơi thuỷ sinh nào. Thủy Sinh Tím chúc các bạn sẽ thiết kế được những bể thủy sinh ưng ý nhất!

Nguồn tham khảo: https://www.ahisu.com/phong-cach-rung/

>>> Tham khảo bài viết Phong Cách Iwagumi - Nghệ Thuật Xếp Đá Trong Hồ Thủy Sinh để có có thêm những lựa chọn phong phú cho việc setup bể của bạn nhé!

Thủy Sinh Tím

Fanpage: https://www.facebook.com/ThuySinhTim

Lazada: lazada.vn/shop/thuy-sinh-tim

Shopee: shopee.vn/thuysinhtim

Website: www.thuysinhtim.vn

Hệ thống cửa hàng:

📍 123 Đại La, Hai Bà Trưng, HN
   0708888102

📍 Cuối ngõ 26 phố Nghĩa Đô, Cầu Giấy, HN
   0865313256

📍 373 Nguyễn Thái Bình, P.12, Tân Bình, Tp. HCM

   0785111988

📍 26/43 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đa Kao, Q.1, Tp. HCM
   0945551088

Bình luận (488)
1
1
13 December 2019
Viết bình luận
zalo